trankhoaplus’s diary

blogtrankhoa ghi lại những thông tin hữu ích, chia sẻ những bài viết hay

Tranh chấp tường rào giữa hai nhà phải làm sao?

Tranh chấp đất đai ngày nay không những diễn ra nhiều mà còn phức tạp ở nhiều hình thức. Dưới đây là bài viết trả lời câu hỏi về vụ việc tranh chấp tường rào giữa hai nhà, qua đó giúp bạn hiểu hơn về cách thức giải quyết tranh chấp đất đai, mời bạn đọc tham khảo.

1./ Câu hỏi về tranh chấp

Gia đình tôi thuộc diện nhận đất đền bù khu dự án. Vào năm 2006, gia đình tôi có xây tường rào và được người bên cạnh sát đất nhà tôi ủng hộ một vài bao xi măng. Đến thời điểm đền bù để di dời, khi ban quản lý đất đo đạc thì gia đình gần nhà tôi bảo tường rào đấy là do họ xây dựng. Vậy có cách nào để giải quyết tranh chấp với bên tranh chấp hay không? Và có quy định gì hay không? Khi gia đình hàng xóm cứ khăng khăng với bên đo đạc đất đai là của họ xây dựng? Mong được luật sư trả lời.

2. Trả lời từ luật sư

Căn cứ Điều 176 Bộ luật dân sự năm 2015:

Điều 176. Mốc giới ngăn cách các bất động sản

1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.

2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.

Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.

3. Đối với mốc giới là tường nhà chung, chủ sở hữu bất động sản liền kề không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, trừ trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý.

Trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình.

Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Như vây, trong trường hợp này cần xác định việc bạn xây dựng tường ngăn cách trong phần diện tích nào. Nếu trong phần diện tích của gia đình bạn thì đó là sở hữu của gia đình bạn còn là ngoài phần ranh giới thì đó là sở hữu chung của hai gia đình.

Căn cứ Điều 202 Luật đất đai số 45/2013/QH13 của Quốc hội: hai gia đình có thể thỏa thuận tự hòa giải với nhau. Nếu không tự hòa giải được, gia đình bạn nên nộp đơn lên UBND cấp Xã để hòa giải. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết theo căn cứ tại Điều 203 Luật Đất Đai về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu Ủy ban Nhân dân cấp xã không hòa giải được tranh chấp của gia đình bạn và gia đình hàng xóm thì bạn có thể khởi kiện tại Tòa án Nhân dân cấp Huyện để được giải quyết và xác định tường rào thuộc về gia đình nào theo quy định pháp luật.

Tổng hợp